Luật sư Nguyễn Minh Long bào chữa vụ án cố ý gây thương tích ở Bắc Giang

69

Trước hết, là luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Tú, chúng tôi thay mặt thân chủ mình xin gửi lời chia sẻ và cảm thông sâu sắc đến với gia đình người bị hại về mất mát người thân!!!

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử ! (HĐXX)

Thưa vị đại diện Viện Kiểm sát và Luật sư đồng nghiệp cùng các Quý vị có mặt trong phiên tòa hình sự phúc thẩm hôm nay!

Chúng tôi là Luật sư Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp – Thuộc Công ty Luật Dragon – Đoàn luật sư Hà Nội. Được sự chấp thuận của các cơ quan tiến hành tố tụng và đơn mời luật sư của bị cáo. Chúng tôi có mặt trong phiên tòa hôm nay với tư cách là người bào chữa cho bị cáo Trần Đình Tú bị truy tố về tội danh “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 BLHS.

Kính thưa HĐXX !

Qua trao đổi làm việc với bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án và phần thẩm vấn, xét hỏi công khai tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay. Chúng tôi xin trình bày bản luận cứ bào chữa với những nội dung, quan điểm như sau:

Tại phần xét thấy của bản án sơ thẩm số 80/2016/HSST ngày 29/9/2016 của TAND huyện Lục Ngạn – Bút lục số 318 có nêu:

“Xét về vai trò của các bị cáo thì thấy, bị cáo Tú trực tiếp dùng tay phải đấm 01 cái thẳng vào má bên trái ông Tấn làm ông Tấn ngã về sau, đầu đập xuống đường bê tông và là nguyên nhân trực tiếp làm ông Tấn chết nên bị cáo Tú phải chịu vai trò chính. Bị cáo Tuấn và Kỷ cùng có hành vi giúp sức đánh ông Tấn nên có vai trò thứ hai”.

Từ nhận định trên, bản án sơ thẩm đã quyết định: tuyên bố bị cáo Trần Đình Tú, Ngô Văn Tám, Nguyễn Mạnh Tuấn phạm tội “Cố ý gây thương tích” và áp dụng: khoản 3 Điều 104; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53 BLHS. Xử phạt bị cáo Trần Đình Tú 08 (tám) năm tù giam.

Đối với bị cáo Tuấn và Kỷ xử phạt 04 (bốn) năm tù giam.

Theo chúng tôi bản án sơ thẩm của TAND huyện Lục Ngạn tuyên như vậy là quá nặng đối với Trần Đình Tú, không đúng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo bởi những lý do sau đây:

  1. Về ý thức chủ quan của bị cáo Tú

Căn cứ vào lời khai của bị cáo Tú tại bản kiểm điểm BL 165, bản ghi lời khai BL 173, biên bản hỏi cung bị can BL177, Tú khai nhận rằng:

“Khi bị can đến nơi thì nhìn thấy mồm Tuấn chảy rất nhiều máu nên bị can dừng xe máy chạy lại phía ông Tấn và Tuấn đang xô sát. Bị can chạy đến đứng đối diện với ông Tấn và bị can dùng tay phải đấm 01 cái vào má trái ông Tấn làm ông Tấn ngã ngửa về sau”.

Qua lời khai trên của Tú cho thấy: Thân chủ của chúng tôi là người không có sự bàn bạc, trao đổi hay bị các bị cáo khác lôi kéo vào chuyện ẩu đả, mà khi đi xe đến nơi đánh nhau thấy Tuấn là con nhà cô ruột mình bị cắn đứt môi, chảy nhiều máu và đang giằng co, lôi kéo, du đẩy với ông Tấn nên Tú nghĩ là Tuấn bị ông Tấn đánh. Do đó, Tú bức xúc, bị kích động về tinh thần, một phần mất bình tĩnh và không suy nghĩ chín chắn, nông nổi, không kiểm soát, làm chủ được hành vi mới đấm ông Tấn một cái vào má khiến ông ngã ngửa ra sau.

  1. Về hành vi khách quan

Theo đoạn video quay lại một phần cận cảnh đánh nhau cho thấy khoảng cách giữa Tú và ông Tấn khá xa nên lực đấm của Tú tiếp xúc với má bên trái của ông Tấn không mạnh, nhưng do ông Tấn đang trên đà bị đẩy về phía sau (do người can đánh nhau nắm ông Tấn lôi ra) nên khi bị Tú đấm trúng thì ông Tấn mới bị mất đà ngã. Chứ lực đấm của Tú hoàn toàn không đủ mạnh và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết cho ông Tấn.

  1. Về chứng cứ chứng minh nguyên nhân dẫn đến cái chết của người bị hại – Phan Văn Tấn.

Thứ nhất, Trong giấy chứng nhận thương tích ngày 24/2/2016 –BL số 40 của bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang thể hiện: “Tình trạng thương tích lúc vào viện của ông Tấn là: sưng nề vùng đỉnh chấm phải kích thước 06cm”. Phiếu khám bệnh vào viện BL số 42 thể hiện là: “bệnh nhân bị đánh vào đầu, sau đánh bệnh nhân bị ngất, sưng nề bầm tím đầu…”

Như vậy, có thể khẳng định lý do ông Tấn phải vào viện cấp cứu là do bị tác động bằng vật cứng vào đầu dẫn đến chấn thương sọ não gây tử vong cho người bị hại. Còn việc Tú đấm một cái làm ông Tấn ngã ngửa về sau, đầu đập đường bê tông cũng không thể gây vỡ hộp sọ như kết luận giám định và kết quả khám nghiệm tử thi đã nêu tình trạng chấn thương của ông Tấn. Vì vậy cơ quan điều tra ra kết luận số 64/KLĐT ngày 14/6/2016 cho rằng: “cú đấm của Tú trực tiếp gây ra việc ông Tấn bị choáng, ngã đập đầu xuống nền đường bê tông gây tử vong” là bất lợi cho Trần Đình Tú và không phù hợp với những chứng cứ của vụ án, kết luận giám định và kết quả khám nghiệm tử thi như đã phân tích ở trên.

Thứ 2, Trong trường hợp ông Tấn nếu bị Tú đấm ngã ngửa dẫn đến tử vong thì về mặt nguyên lý phía sau gáy của đầu đập xuống nền bê tông phải tạo thành vết lõm hoặc sưng phía sau và xương hộp sọ có đường vỡ phải xuất phát từ sau gáy. Nhưng Tại biên bản khám nghiệm tử thi ngày 20/2/2016 – BL số 69 và Kết luận giám định số 236/KL-PC54 ngày 8/3/2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang thể hiện: Xương hộp sọ có đường vỡ xương xuất phát từ vùng đỉnh trái (có hình dạng chân chim sập lún) lan sang đỉnh bên phải và thái Tú phải dài 19cm”. Điều này chứng tỏ nguyên nhân khiến hộp sọ ông Tấn bị vỡ là do “Vùng thái Tú đỉnh trái có vết sây sát da, kích thước 03 x 02 cm, vết này trên diện sưng nề 09 x 06 cm”.

Phân tích trên cho thấy xét về mặt lô gic và khoa học thì vết sưng nề vùng thái Tú đỉnh trái do vật cứng tác động chính là nguyên nhân khiến hộp sọ vỡ tạo thành đường vỡ xương xuất phát từ vùng đỉnh trái. Đây là căn cứ chứng minh loại trừ khả năng Tú đấm dẫn đến cái chết cho ông Tấn.

Thứ 3, chúng tôi đã tiến hành xác minh, trao đổi với ông Thân Ngọc Huấn có địa chỉ tại phố Thanh Tân, Thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Ngạn ngày 2/3/2017 được cung cấp như sau: “Tôi thấy có 3 người ngồi trên xe Win trong đó có ông Tấn ngồi ở giữa xe. Chiếc xe đi theo hướng từ địa điểm xảy ra xô xát về nhà ông Tấn.

Ngày 13/3/2017, chúng tôi xác minh lấy ý kiến từ ông Phan Văn Hóa là hàng xóm và có họ hàng của ông Phan Văn Tấn được biết là: “khoảng gần 16h chiều ngày 19/2/2016, ông Tấn có sang gia đình tôi chơi, mục đích chủ yếu là ông Tấn sang mượn điện thoại của tôi để gọi cho các con của của ông đấy bảo tìm điện thoại bị rơi ở nơi đánh nhau”.

Lời khai của các nhân chứng trên phù hợp với lời khai của các đại diện gia đình bị hại tại phiên Tòa Phúc thẩm hôm nay thừa nhận sau khi xảy ra xô xát ông Tấn được hai người thân đưa về nhà bằng xe máy và đến tối mới đưa vào bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn.

Mặt khác, sau khi sang nhà ông Miêng chơi và ra về xong, do khoảng cách giữa hai nhà là gần 300m như lời khai của các con ông Tấn cho thấy liệu lúc về ông Tấn có đi đâu hay va chạm vào vật gì không đó là một dấu hỏi.

Như vậy, tính thời điểm xảy ra xô sát với nhóm của Tú là 14h40 phút, thì sau khi bị Tú đấm ngã, ông Tấn không hề việc gì được người thân đưa về nhà, và ông Tấn còn sang hàng xóm chơi để gọi nhờ tìm điện thoại. Trích sao hồ sơ bệnh án của ông Phan Văn Tấn tại bệnh viện Đa khoa Lục Ngạn cho thấy thời gian ông Tấn vào viện là lúc 18h15’. Căn cứ vào giấy chuyển tuyến của bệnh viện Lục Ngạn – BL số 43 ngày 19/2/2016, thì ông Tấn được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để điều trị lúc 21h45’. Điều đó có ý nghĩa rằng người bị hại không phải nhập viện ngay sau khi bị Tú đánh ngã mà hơn 3 giờ sau do bị chấn thương gây ảnh hưởng đến sức khỏe ông mới phải nhập viện Đa khoa Lục Ngạn rồi chuyển lên tuyến tỉnh cấp cứu.

  1. Về đồng phạm trong vụ án

Chúng tôi không đồng tình với bản án đánh giá cho rằng trong vu án này Tú giữ vai trò chính, còn Tuấn, Kỷ chỉ cùng có hành vi giúp sức đánh ông Tấn nên có vai trò thứ hai”. Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi của bị cáo Tú và các tình tiết khách quan của vụ án cho thấy nếu xét về tính chất đồng phạm trong vụ án này thì Tú chỉ đóng vai trò thứ yếu và là người giúp sức đánh ông Tấn mới đúng. Vì vậy, việc HĐXX TAND huyện Lục Ngạn xử 8 năm tù trong khi Tú có các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 mà không áp dụng Điều 47 để chuyển khung hình phạt từ khoản 3 sang khoản 2 Điều 104 là một thiệt thòi với Tú. Đồng thời, nó phản ánh việc nhìn nhận, đánh giá về hành vi các bị cáo trong vụ án không toàn diện, không đúng đắn và có sai lầm trong việc áp dụng phap luật của HĐXX cấp sơ thẩm.

  1. Về các tình tiết giảm nhẹ

          Thứ nhất, bị cáo đã có ý thức tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả

Một là, khi nghe tin ông Tấn chết, gia đình Tú cùng Tuấn và Kỷ đã đến chia buồn, xin lỗi và bồi thường cho gia đình ông Tấn là 100.000.000 đồng, có lập thành biên bản thỏa thuận ngày 29/2/2016 có chữ ký đầy đủ của các bên tham gia và được chính quyền địa phương xác nhận. Gia đình ông Tấn cũng bày tỏ sự thông cảm đối với hành vi bồng bột nhất thời của Tú và có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Tú.

Hai là, ngày 02/03/2017, Tú đã đến chi cục thi hành án Dân sự huyện Lục Ngạn nộp tiền án phí sơ thẩm và tự nguyện nộp trước 3.000.000 VND để khắc phục bồi thường hậu quả.

Như vậy, Tú đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS.

          Thứ hai về nhân thân và hoàn cảnh gia đình

Tú là người có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự, luôn sống hòa đồng với mọi người, chăm chỉ làm ăn. Hoàn cảnh gia đình của Tú hiện nay rất khó khăn. Tú là lao động chính  và trụ cột trong gia đình, vợ Tú còn trẻ là công nhân may, thu nhập thấp. Tú có hai con còn nhỏ, cháu Nguyễn Nam Duy sinh ngày 19/01/2014, cháu Nguyễn Thị Bảo Yến sinh ngày 10/3/2016.

Sau khi sự việc xảy ra và biết tin ông Phan Văn Tấn qua đời, Trần Đình Tú đã ra đầu thú tại Công an huyện Lục Ngạn vào ngày 20/2/2016.

Trần Đình Tú đã từng tham gia nhập ngũ từ tháng 10/2007  đến tháng 01/2009, là chiến sĩ trinh sát PK của đơn vị: Đại đội chỉ huy – Lữ Đoàn 210 – Quân khu 1, cấp bậc: Binh nhất, được tặng thưởng danh hiệu: Chiến sĩ tiên tiến năm 2008, theo quyết định số 465/QĐ-LĐ ngày 30/12/2008 của Lữ Đoàn Trưởng 210.

Thứ ba, trong quá trình điều tra, xét xử, Tú luôn bày tỏ sự thành khẩn khai báo. Bởi vậy đã được Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm ghi nhận cho hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay Tú vẫn luôn khai báo trung thực, chính xác những tình tiết liên quan đến vụ án và nhận thức được hành vi của mình là có lỗi và sai pháp luật. không những thế, Tú còn bày tỏ sự ăn năn qua những hành động cụ thể như xin lỗi đến phía gia đình bị hại, mong được thông cảm, tha thứ. Đặc biệt anh vẫn đến gia đình bị hại thắp nhang, chia sẻ với nỗi mất mát người thân của gia đình ông Tấn.

  1. Về “Đơn kháng cáo” của gia đình người bị hại

Chúng tôi nhận thấy nội dung kháng cáo của gia đình bị hại yêu cầu xử lý tăng nặng TNHS đối với các bị cáo là không rõ ràng, cụ thể và  không có căn cứ. Các đề nghị về bồi thường dân sự liên quan đến việc cứu chữa và an táng cho ông Tấn nhưng gia đình đưa ra nhiều điểm bất hợp lý và không chứng minh được bằng các sổ sách, hóa đơn, chứng từ. Luật sư đề nghị HĐXX không chấp nhận và bác yêu cầu kháng cáo của gia đình bị hại.

          Kính Thưa HĐXX!

          Pháp luật hình sự bên cạnh mục đích răn đe người phạm tội còn có mục đích giáo dục, cảm hóa, cải tạo người phạm tội. Thân chủ của chúng tôi cảm thấy rất ăn năn, hối cải về hành vi của mình, chỉ vì một phút nông nổi, bồng bột mà đã gây ra sự việc ngoài mong muốn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét lượng hình giảm án cho bị cáo Trần Đình Tú khi định tội

III.    Đề nghị của luật sư:

Từ những nhận định, phân tích trên kết luận: hành vi của Trần Đình Tú có đấm vào mặt của người bị hại không thể là nguyên nhân trực tiếp gây lên cái chết của ông Phan Văn Tấn.

Bởi vậy, Luật sư đề nghị HĐXX xem xét “Đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” và nhân thân, hoàn cảnh gia đình của bị cáo Trần Đình Tú cùng những phân tích, đánh giá trên của chúng tôi để ra những phán quyết công tâm không để Trần Đình Tú phải chịu mức án quá cao không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi của bị cáo như bản án sơ thẩm đã tuyên. Yêu cầu của chúng tôi cụ thể như sau:

  • Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: sửa bản án sơ thẩm đã tuyên theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trần Đình Tú;

 

  • Đề nghị HĐXX áp dụng; điểm b, điểm p khoản 1 Điều 46, khoản 2 Điều 46; Điều 47 BLHS 2009; điểm a Mục 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc Hội; khoản 1, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015; Công văn 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của hình phạt được áp dụng cho bị cáo Trần Đình Tú được chuyển khung hình phạt từ khoản 3 xuống khoản 2 Điều 104 BLHS và giảm án mức thấp nhất nếu có thể.

Như vậy, trong vụ án này, vai trò của Tú chỉ là người giúp sức thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, bị cáo Tú có các tình giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46. Vì vậy, Tòa án có thể áp dụng các quy định pháp luật trên để cho bị cáo Tú được giảm hình phạt là hoàn toàn có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tế. Do kháng cáo của gia đình người bị hại là không cụ thể, chúng tôi đề nghị HĐXX không chấp nhận.

Chúng tôi tin tưởng rằng HĐXX sẽ ra một bản án công minh, đúng pháp luật!

Xin chân thành cảm ơn HĐXX đã lắng nghe!

Luật sư bào chữa:  Nguyễn Minh Long, Nguyễn Trung Tiệp

  • Một số thông tin đã thay đổi để đảm bảo quyền bảo mật thông tin cho khách hàng.

 

 

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai