Xã hội ngày càng phát triển, thủ đoạn thực hiện tội phạm cũng ngày càng tinh vi, đó chính là quy luật của sự vận động. Trong đó, hối lộ và nhận hối lộ vẫn luôn là vấn đề nan giải, khó xử lý. Bên cạnh việc hối lộ bằng tiền, tài sản thì nhiều người còn hối lộ bằng các lợi ích phi vật chất, trong đó, đáng chú ý là hành vi “hối lộ tình dục”.
Dưới góc độ pháp luật hình sự thì nhận hối lộ là hành vi của người có chức quyền, lợi dụng chức vụ và quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc “phi vật chất” để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.
Lợi ích phi vật chất là lợi ích không quy đổi được thành tiền hay tài sản khác, hành vi nhận hối lộ lợi ích phi vật chất bao gồm cả hành vi “nhận hối lộ tình dục”.
Việc quy định nhận hối lộ bằng lợi ích phi vật chất chính là điểm mới của bộ luật hình sự 2015 được dư luận quan tâm. Theo đó, Khoản 1 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “ Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất”.
Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức” cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc. Với việc bổ sung hành vi nhận hối lộ lợi ích phi vật chất này sẽ góp phần tích cực bảo vệ hạnh phúc gia đình; đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh về phòng, chống tội phạm tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ án về hối lộ tình dục xảy ra nhưng trước đây chưa có chế tài để xử lý. Theo ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng ban nội chính trung ương cho rằng “Cách đây hơn chục năm, có vụ ở Phú Thọ đã dùng tình hối lộ một số vị có chức quyền để ký séc khống, sau này khi phát hành ra thì nó vượt quá hạn mức tài chính của các đơn vị rất lớn nên sự việc được đưa ra cơ quan điều tra.
Vì ngày đó chưa từng có quy định về việc hối lộ tình dục trong quy định của luật pháp Việt Nam, chưa có quy định về việc dùng tình dục làm món quà hối lộ nên hồi đó, cơ quan chức năng chỉ xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chứ đúng ra, vụ đó phải xử về tội hối lộ”.
Như vậy, có thể thấy việc đưa quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nhận hối lộ tình dục là hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển cũng như sự phức tạp của xã hội hiện nay.
Ở các nước trên thế giới, luật pháp rất rạch ròi giữa quà biếu và hối lộ, cả về mặt giá trị và hình thức. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có sự rạch ròi đó, một phần là do hành vi hối lộ tình dục rất khó để chứng minh.
Làm sao chứng minh được hành vi hối lộ tình dục?
Liên quan vấn đề này, ông Trần Văn Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp) – cho biết, hối lộ tình dục là vấn đề chúng ta mới tiếp cận với các Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng.
Theo đó, điểm mới của Tội đưa và nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực đầu năm 2018), không chỉ là giá trị vật chất, mà cả những giá trị phi vật chất. Và hành vi hối lộ tình dục là biểu hiện cụ thể của hành vi hối lộ phi vật chất.
“Để chứng minh được hành vi phạm tội hối lộ tình dục chỉ cần chứng minh được có sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ tình dục. Ví dụ, người đưa – thay vì đưa 100 triệu đồng (giá trị vật chất), đổi bằng một hoặc một vài lần quan hệ tình dục (giá trị phi vật chất)”, ông Dũng cho biết.
Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp, quan điểm phải quan hệ tình dục với nhau trong nhà nghỉ, khách sạn mới là hối lộ tình dục là không đúng. Chỉ cần có sự thống nhất, thỏa thuận về mặt ý chí, có ghi âm, ghi hình, có người làm chứng, các bên thừa nhận… đã chứng minh được hành vi phạm tội này.
Pháp luật Việt Nam chưa từng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi nhận “hối lộ tình dục”, một phần đây là quy định mới được bổ sung tại Bộ luật Hình sự 2015, một phần khác là bởi thực tiễn việc chứng minh để xử lý đối với tội phạm này còn khó khăn. Tuy nhiên, việc luật hóa quy định nhận hối lộ bằng lợi ích phi vật chất là hết sức cần thiết, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện na, góp phần hạn chế nạn tham nhũng tồn tại cố hữu trong xã hội nước ta từ trước đến nay.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai