Luật Khiếu nại đã được UBTVQH và ĐBQH Khóa XII thảo luận góp ý và được chỉnh sửa nhiều lần, song hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề có quan điểm khác nhau như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; về thẩm quyền, trình tự giải quyết khiếu nại; về tiếp công dân; việc khiếu nại nhiều người… Ngoài những vấn đề chưa thống nhất thì dự thảo Luật này còn có những khoảng trống pháp lý, nếu không được bổ sung sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện sau này. Sau đây là hai vấn đề quan trọng cần trao đổi.
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Ngoài các chủ thể chủ yếu tham gia vào quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại (gồm người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại lần hai) trong dự thảo Luật có đề cập đến một loại chủ thể nữa, đó là người có quyền, nghĩa vụ liên quan quy định tại Khoản 7 Điều 2. Đây là một trong những chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 43 (tại Khoản 4 Điều 43 dùng thuật ngữ là người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan – Tên gọi về loại chủ thể này không thống nhất với quy định tại Khoản 7 Điều 2 nêu trên). Như vậy, đây là một loại chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại và thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại được dự thảo Luật ghi nhận. Mặt khác, trong thực tế giải quyết khiếu nại loại chủ thể này tồn tại khá nhiều. Chẳng hạn như: Ông A khiếu nại UBND huyện B vì cho rằng việc UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà C không đúng, xâm phạm đến quyền lợi của ông vì nguồn gốc diện tích đất này là do ông A cho bà C mượn sử dụng. Hoặc trường hợp ông H thuê xe ô tô của ông Q để vận chuyển hàng cấm bị cơ quan chức năng phát hiện ra quyết định xử phạt tiền đối với ông H đồng thời tịch thu chiếc xe ô tô nên ông H khiếu nại. Trong hai trường hợp này bà C và ông Q có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết khiếu nại.
Theo Khoản 7 Điều 2 của dự thảo Luật thì: “Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là người có quyền và nghĩa vụ chịu tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không phải là người khiếu nại”. Trong thực tế, nếu người khiếu nại và người có quyền, nghĩa vụ liên quan không có lợi ích đối lập nhau thì không sao, nhưng khi hai chủ thể này có lợi ích đối lập nhau thì sẽ trở nên phức tạp (như trường hợp ông A khiếu nại việc UBND huyện B cấp đất cho bà C nêu trên). Với tình huống này nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu chấp nhận yêu cầu của người khiếu nại tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Nếu người có quyền, nghĩa vụ liên quan không đồng ý (phản đối) đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì họ có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai xem xét lại quyết định này hay không – dự thảo Luật chưa có quy định. Nếu họ khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu yêu cầu xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại thì cũng không ổn, vì quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu không phải là văn bản quản lý hành chính mà bản chất là văn bản tài phán hành chính (cho dù nước ta chưa có hệ thống tài phán hành chính độc lập). Mặt khác, nội dung quan hệ khiếu nại không có gì mới ngoài những vấn đề mà người giải quyết khiếu nại lần đầu đã xác minh, giải quyết.
Như vậy, dự thảo Luật Khiếu nại ghi nhận địa vị pháp lý của người có quyền, nghĩa vụ liên quan nhưng lại không có quy định về các quyền và nghĩa vụ, giới hạn phạm vi, trình tự, thủ tục để chủ thể này tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Thứ hai, về việc thừa kế quyền, nghĩa vụ trong việc khiếu nại.
Việc phát sinh khiếu nại là do chủ thể bị tác động bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính cho rằng quyết định hoặc hành vi đó trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình (đây là một loại tranh chấp – tranh chấp trong quan hệ hành chính giữa chủ thể chịu sự quản lý với chủ thể quản lý nhà nước). Quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm trong thực tế chỉ có hai nhóm đó là quyền nhân thân phi tài sản (danh dự, nhân phẩm, quyền về cư trú, kết hôn, về tên gọi, hình ảnh,…) và quyền về tài sản (quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản). Theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự thì công dân có quyền để lại tài sản thừa kế. Như vậy, trong trường hợp khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến các quyền về tài sản như: thu hồi đất, cưỡng chế tháo dỡ công trình, tịch thu tài sản… vì tài sản được để lại thừa kế, nên trong quá trình giải quyết khiếu nại – nếu người khiếu nại bị chết thì về nguyên tắc chung những người có quyền thừa kế tài sản của người khiếu nại có quyền kế thừa việc khiếu nại. Đối với trường hợp người khiếu nại là cơ quan, tổ chức, nếu trong quá trình giải quyết khiếu nại mà cơ quan, tổ chức đó bị hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ phải được kế thừa việc khiếu nại. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật khiếu nại không có quy định nào về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ trong quá trình giải quyết khiếu nại để điều chỉnh các trường hợp nêu trên. Trong khi đó tại Điều 53 của Luật Tố tụng hành chính đã quy định rất cụ thể về việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính. Theo đó, trường hợp người khởi kiện là cá nhân bị chết mà quyền, nghĩa vụ của họ được thừa kế thì người thừa kế đượåc tham gia tố tụng. Trường hợp người khởi kiện là cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó. Như vậy, thủ tục tài phán tư pháp đối với tranh chấp hành chính thì có quy định kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng, còn thủ tục tài phán hành chính thì lại không quy định.
Thiết nghĩ, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định về các vấn đề nêu trên để Luật Khiếu nại sau khi được ban hành không còn những khoảng trống pháp lý gây khó khăn cho việc thực thi.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai