Phiên tòa trực tuyến: Xu hướng tất yếu

36

Việc xét xử phiên tòa trực tuyến được chọn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử trong tương lai.

Ngày 12/11/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử online khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.

Theo Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến, từ ngày 1/1/2022, tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Với quy định trong Nghị quyết này, chỉ xét xử trực tuyến đối với một số vụ án hình sự phúc thẩm, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia tại địa điểm ngoài phòng xử án. Địa điểm do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng vào cùng một thời điểm.

Về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: “Quan trọng nhất của phiên tòa trực tuyến là các cơ quan thi hành tố tụng phải đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng. Đặc biệt là các vụ án hình sự thì bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Bởi vì khi họ trình bày, tự bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa thì phải có tương tác. Nhưng trực tuyến thì tương tác giảm đi. Do đó trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải tạo điều kiện để cho bị cáo thực hiện tốt quyền tố tụng đã cho phép họ trong việc bào chữa, nhờ bào chữa, phản biện, cung cấp chứng cứ một cách tốt nhất.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành tòa án, vừa góp phần khắc phục tình trạng án tồn đọng, vừa phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội và cũng phù hợp với xu thế quốc tế, tình hình, bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, đây là phương thức tố tụng mới trên nền tảng số nên cần thực hiện thí điểm, triển khai trên từng địa bàn, có đầu tư thỏa đáng về trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại để bảo đảm chất lượng phiên tòa, nhất là ở cấp huyện, thị xã.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư, các văn bản hướng dẫn ngay khi Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực truyến được thông qua để sớm áp dụng trong thực tiễn.

Tương tự, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thay vì phiên tòa truyền thống trực tiếp như trước đây là một xu hướng tất yếu.

Trên tinh thần của Nghị quyết, có thể hiểu khái niệm phiên tòa trực tuyến hay phiên tòa online, xét xử trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, nhưng những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng có thể không trực tiếp gặp mặt nhau.

Quá trình tố tụng có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Theo luật sư, phiên tòa trực tuyến có những đặc điểm đặc thù khác với những phiên tòa xét xử trực tiếp, theo hình thức tố tụng truyền thống.

Việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tuyến sẽ khác với việc đảm bảo an ninh trật tự trong phiên tòa trực tiếp, bởi môi trường mạng có thể tác động, chi phối đối với hoạt động tố tụng.

Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh không chỉ tại phòng xét xử mà phải đảm bảo an ninh an toàn mạng.

Đây là hình thức tổ chức xét xử mới, ban đầu đưa vào thực hiện sẽ có nhiều bỡ ngỡ, thậm chí lúng túng, khó khăn đối với những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

“Ngoài ra, phiên tòa trực tuyến rất dễ bị lộ thông tin cá nhân, bí mật đời tư cá nhân, thậm chí cả bí mật Nhà nước. Có thể có những đối tượng xấu xâm nhập vào đường dẫn mạng Internet để phá rối, đánh cắp thông tin hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bởi vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thông tin trong quá trình xét xử là rất quan trọng”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Khẳng định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu, song đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cho rằng: vấn đề hạ tầng kỹ thuật, sự đồng bộ giữa giữa các cấp tòa án trong tổ chức phiên tòa trực tuyến vẫn là vấn đề lớn đặt ra cần được đặc biệt quan tâm, xem xét để việc tổ chức phiên tòa dù trực tuyến hay trực tiếp thì vẫn phải bảo đảm đáp ứng chặt chẽ yêu cầu về pháp lý, tiến độ, chất lượng xét xử.

Đỗ Huyền

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai