Ngay từ thời cổ Hy Lạp, Arixtốt, Platon đã từng mơ ước đến một hình mẫu toà án độc lập, không thiên vị. Arixtốt quan niệm rằng: Trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc: Cơ quan làm ra luật có trách nhiệm trông coi việc nước, các cơ quan thực thi pháp luật và các tòa án, từ đó ông chia hoạt động nhà nước thành ba thành tố: nghị luận, chấp hành và xét xử . Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ cho đến nay, độc lập xét xử của Toà án đã trở thành nguyên tắc pháp luật của bất kỳ nhà nước dân chủ, văn minh nào.
Tuy nhiên, trong thực tế ở đâu đó vẫn còn tình trạng Thẩm phán bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan lẫn khách quan làm cho phán quyết của họ bị thiên lệch. Điều đó cho thấy việc đảm bảo cho Thẩm phán nói riêng và Toà án nói chung được độc lập xét xử chỉ tuân theo pháp luật luôn là khát vọng và cũng là nỗi ưu tư của nhân loại ngàn đời nay. Chúng ta đang tiến hành Chiến lược cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với trọng tâm là cải cải cách hệ thống toà án thì có lẽ bàn về nguyên tắc Thẩm phán độc lập xét xử vẫn là vấn đề xưa nhưng không hề cũ. Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu nguyên tắc độc lập xét xử dưới các góc độ khác nhau ở mọi cấp độ. Nhưng chủ yếu là xem xét sự độc lập của Thẩm phán trong mối quan hệ với các yếu tố khách quan- Sự can thiệp đến công việc xét xử của Thẩm phán từ bên ngoài. Đó có thể là sự tác động từ các cơ quan khác như hành pháp, lập pháp thậm chí có ý kiến đề cập đến sự can thiệp của một số cấp ủy địa phương đến hoạt động xét xử của thẩm phán. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận vấn đề độc lập xét xử của thẩm phán dưới góc độ những yếu tố chủ quan tác động đến tính độc lập xét xử của thẩm phán. Tức là những yếu tố nằm bên trong ngành toà án và trong mỗi thẩm phán làm cho thẩm phán không độc lập xét xử.
1. Thẩm phán có muốn độc lập không?
Trước hết công việc xét xử bao giờ cũng do con người – thẩm phán đảm nhiệm và thật viễn tưởng khi người ta lập trình hoạt động xét xử và giao cho máy móc đảm nhiệm. Những năm 70 của thế kỷ trước, Giáo sư X.X A-lec- xây- ép đã bàn đến vấn đề “Quan toà điện tử” khi ông đặt câu hỏi: Phải chăng có thể thay thế vị quan toà bằng những máy tính hiện đại có khả năng nắm bắt được cái tinh tế của pháp luật và ngay từ đầu đã cung cấp những quyết định theo yêu cầu của chúng ta ?” . Sau khi lập luận một cách chắc chắn rằng: Sự vô tư, tính lôgic, trình độ chính xác, tính độc lập của các quyết định luôn lệ thuộc vào các tính cách cá nhân thẩm phán với tính tình ông ta; nếu ngồi ghế bị cáo thì bất cứ ai cũng muốn vị quan toà thay cho người máy quyết định số phận của họ, Giáo sư A- lếch- xây – ép kết luận: Quan hệ giữa con người với nhau phải được con người hiểu chứ không phải do máy móc phán xét. Các thẩm phán trong những tình huống phức tạp của mối quan hệ giữa con người với nhau, họ có thể hiểu được cái mà không máy tính nào hiểu được. Vấn đề quan toà điện tử chỉ là viễn tưởng và trái với đạo lý của chúng ta. Thẩm phán dù khi ngồi trên công đường xét xử trước hết và mãi mãi là một con người nói như Mác là một thực thể tự nhiên và xã hội, là tập hợp của tất cả các đặc tính tâm, sinh lý và đặc tính đạo đức xã hội . Họ hoàn toàn có thể mắc sai lầm, đôi khi dao động và dễ sa ngã. Làm sao hạn chế được những tiêu cực của thẩm phán với tư cách con người bình thường ấy với một Thẩm phán – người đại diện của công lý mới là cả một vấn đề. Xem xét một số trường hợp rất ít Thẩm phán thời gian qua bị kỷ luật vì có tiêu cực trong công tác cho thấy: Những kẻ “chạy án” không hề đe doạ, không hề cưỡng bức…những Thẩm phán này . Nói cách khác là các Thẩm phán hoàn toàn được độc lập xét trong mối quan hệ với bên ngoài. Thế nhưng, công lý đôi khi vẫn có thể mua được bằng tiền ngay tại toà án mà đau xót thay người bán lại chính là các quan tòa. Trường hợp này không nên đổ lỗi cho pháp luật, cho cơ chế không đảm bảo cho thẩm phán được độc lập. Các thẩm phán này đã không độc lập được với chính mình . Để nguyên tắc xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật không chỉ là những con chữ câm lặng trong hiến pháp và trong các bộ luật có lẽ cần nhiều thứ. Song trước hết có lẽ cần phải xem thẩm phán có muốn độc lập xét xử hay không ? Điều này có vẻ như vô lý nhưng thực tế cho thấy khi một ai đó muốn né tránh trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho tập thể thì họ không muốn độc lập. Mặt khác, khi luật pháp rõ ràng, trách nhiệm cá nhân không được đề cao, khi xảy ra hậu quả xấu vẫn có cơ hội để đổ lỗi cho ai đó thì rõ ràng đây là môi trường tốt cho những tiêu cực phát sinh. Những thẩm phán năng lực yếu, tư cách đạo đức kém thì không muốn độc lập. Đảm bảo cho thẩm phán độc lập xét xử ngoài ý nghĩa nâng cao chất lượng xét xử còn có ý nghĩa xác định lỗi và truy cứu trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó cần phải xem thẩm phán có đủ trình độ và bản lĩnh để thực thi quyền độc lập xét xử mà pháp luật và xã hội trao cho mình hay không? Tức là không chỉ “muốn”, “có khả năng” mà còn “dám” độc lập xét xử hay không? Độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật- tưởng như đơn giản nhưng có làm thẩm phán, có đứng trước những vấn đề kiểu như có tội hay không có tội, chung thân hay tử hình… mới thấy trình độ và bản lĩnh cần đến như thế nào? Học hành không đến nơi đến chốn, không có dũng khí để bảo vệ chân lý, sợ trách nhiệm, ba phải, dĩ hoà vi quý… là những yếu tố chủ quan chi phối không nhỏ đến tính độc lập xét xử của Thẩm phán hơn bất kì các yếu tố khách quan nào. Không phải ngẫu nhiên mà pháp luật nhiều nước đòi hỏi thẩm phán độc lập xét xử không chỉ tuân theo pháp luật mà còn phải xét xử theo đúng lương tâm của mình. Nhân đây xin được bàn đến vấn đề thỉnh thị án và duyệt án đã từng diễn ra trước đây trong ngành toà án mà nhiều người chỉ trích và cho rằng nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử. Tuy nhiên, chúng tôi lại có cách nhìn khác tích cực hơn về vấn đề duyệt án (còn gọi là báo cáo án) và thỉnh thị án. Việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa thẩm phán và Chánh án và giữa các thẩm phán với nhau thậm chí với toà án cấp trên đi chăng nữa là công việc cần khuyến khích bởi quy luật của nhận thức là cọ xát nhiều ý kiến mới thấy được chân lý. Báo cáo án, thỉnh thị án cũng là một trong những hình thức trao đổi nghiệp vụ có cấm đi chăng nữa thì trên thực tế thì nó vẫn diễn ra nếu một khi thẩm phán muốn biết ý kiến của thẩm phán khác hay ý kiến của toà án cấp trên về một vụ án cụ thể. Bởi vì luật của chúng ta không hề cấm những người có lợi ích, quan hệ gia đình với nhau không được làm cùng một toà án. Ví dụ: không cấm bố làm chánh án toà án cấp tỉnh, con làm thẩm phán toà án cấp huyện hoặc ngược. Nếu cấm duyệt án hay thỉnh thị án họ sẽ không xin ý kiến người khác bằng một cuộc họp duyệt án hay hay bằng một công văn thỉnh thị như đã từng làm mà sẽ xin ý kiến bằng hình thức khác “phi chính thức” như gọi điện thoại hay gặp gỡ trực tiếp… rất khó kiểm soát. Duyệt án, thỉnh thị án sẽ không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử nếu chúng ta coi đó là vấn đề trao đổi nghiệp vụ, hướng dấn áp dụng thống nhất pháp luật của toà án cấp trên đối với toà án cấp dưới chứ không phải là sự chỉ đạo và đề cao trách nhiệm cá nhân của thẩm phán nếu xảy ra oan sai. Có nghĩa là thẩm phán hỏi ý kiến ai đó là điều không thể cấm nhưng khi khi xảy ra oan sai thì oan sai thẩm phán không thể đổ lỗi cho việc phải làm theo ý kiến chỉ đạo của người này người khác mà phải chịu trách nhiệm cá nhân bởi pháp luật trao quyền độc lập xét xử cho họ nhưng họ không thực hiện quyền đó.
2. Bàn về ông chánh án
Như trên đã nói cho dù dù đề cao tính độc lập của tòa án và thẩm phán nhưng đây là hoạt động của con người, hơn thế nữa là hoạt động của những người nhân danh nhà nước nên nó vẫn cần phải được quản lý. Ở Việt Nam, hoạt động quản lý tòa án các cấp cho thấy không ít những truân chuyên. Ban đầu do Tòa án tối cao đảm nhiệm sau đó là Bộ Tư pháp, hiện nay lại chuyển về cho Tòa án tối cao theo quan điểm “người nào giỏi chuyên môn thì người đó làm quản lý”. Điều này chưa chắc đúng với lĩnh vực quản lý tổ chức các toà án luôn lấy sự độc lập làm tiền đề. Về mô hình quản lý các toà án, có nước giao cho Toà án tối cao quản lý, có nước giao cho Bộ Tư pháp quản lý. Tuy nhiên, cách thức quản lý các toà án địa phương của các toà án tối cao không giống như chúng ta đang làm tức là cho dù toà án quản lý nhưng có cơ chế đảm bảo cho sự độc lập của toà án cấp trên với toà án cấp dưới, giữa chánh án với thẩm phán. Ví dụ, như ở Canađa, có một Đạo luật về cơ quan quản lý hành chính các toà án. Theo đó, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ hành chính cho toà án các cấp. Ở Trung Quốc, Toà án nhân dân tối cao cũng quản lý toà án địa phương về mặt tổ chức, nhưng họ cũng đang có ý tưởng thực hiện chế độ quản lý tách rời công tác hành chính tư pháp với nghiệp vị xét xử bên trong của toà án nhân dân . Như vậy, việc giao cơ quan nào quản lý tòa án việc phải lý giải được mục đích của nó nhằm không chỉ quản lý tốt mà phảỉ tuân thủ nguyên tắc tòa án độc lập. Theo pháp luật nước ta hiện hành, trong ngành Toà án có thực tế là chánh án các toà án vừa thực hiện chức năng quản lý hành chính vừa thực hiện chức năng tố tụng . Chúng ta không áp dụng triệt để nguyên tắc “tam quyền phân lập” mà gọi là phân công những các chức năng quản lý và tố tụng có lẽ cần được phân định rõ ràng. Về mặt hành chính, Chánh án là người lãnh đạo một toà án nào đó. Ông ta có nghĩa vụ tổ chức việc xét xử, đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết án của toà mình, xử lý kỷ luật Thẩm phán khi họ vi phạm kỷ luật và pháp luât…Về mặt tố tụng chánh án lại là người tiến hành tố tụng. Hơn nữa, xét dưới góc độ quản lý, nhiệm vụ của Chánh án là lãnh đạo nhưng lại là lãnh đạo những con người được quyền độc lập xét xử. Đây có lẽ là cái khó cũng là cái đặc thù của chức vụ lãnh đạo trong ngành toà án so với lãnh đạo các ngành khác. Có người từng mạnh dạn đề xuất rằng muốn thẩm phán độc lập thì phải hạ thấp vai trò của Chánh án toà án bởi khi đề cao vai trò này có nghĩa là tạo điều kiện cho việc chi phối hoạt động xét xử . Chúng tôi đồng với ý kiến này đồng thời bình luận thêm: Vấn đề thẩm phán độc lập hay không độc lập so với chánh án không chỉ nằm ở chỗ vai trò của chánh án lớn hay nhỏ mà nằm ở giới hạn cụ thể giũa chức năng quản lý và chức năng tố tụng của Chánh án. Về tố tụng thì Chánh án không thể can thiệp vào công việc xét xử của thẩm phán. Nhưng về mặt quản lý thì Chánh án phải biết được tình hình xét xử của toà án mình như thế nào, chất lượng ra sao…. Nói tóm lại là Chánh án không thể vì lý do Thẩm phán độc lập xét xử mà buông lỏng quản lý hỏi đến việc gì của cơ quan mình cũng không nắm được và càng không nên nâng cao hiệu quả quản lý bằng cách biết mọi thứ kể bằng cách can thiệp qua mức cần thiết vào vào công tác xét xử của thẩm phán. Hiện nay theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Tố tụng hình sự, Chánh án toà án có quyền : Tổ chức công tác xét xử của Toà án, Quyết định phân công Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự cũng có quy định tương tự. Như vậy, thẩm phán nào sẽ xử vụ án nào là do Chánh án quyết định. Với quy định như vậy, hoàn toàn có thể đặt ra giải thiết vì động cơ không trong sáng mà Chánh án chỉ chọn những thẩm phán “hợp” với mình xử những vụ án “hợp” với chánh án. Ở Đức quy trình phân công xét xử theo thứ tự lần lượt và quay vòng không hề có sự can thiệp của Chánh án làm cho mọi thẩm phán đều có cơ hội xét xử ngang nhau. Có lẽ đây là cách thức tổ chức xét xử cần được nghiên cứ áp dụng để đảm bảo sự độc lập của chánh án và thẩm phán
3. Kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán – đã đến lúc?
Khi còn sự lệ thuộc vào ai đó, hoặc còn sự sợ hãi thì thẩm phán sẽ không thể độc lập được. Nếu đặt câu hỏi thăm dò cho các thẩm phán Việt nam hiện nay rằng họ sợ gì nhất thì có lẽ câu trả lời sẽ là: Sợ không được làm thẩm phán nữa. Bởi vì được bổ nhiệm thẩm phán toà án nhất thẩm phán là toà án tối cao là cả quá trình phấn đấu lâu dài và gian khổ. Chính vì vậy, sự độc lập của thẩm phán phải gắn liền với sự ổn định về vị trí làm việc. Với logic này thì ở Việt Nam, việc bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ, nhiệm kỳ quá ngắn ( 5 năm) như hiện nay rõ ràng ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của toà án. Việc quy định chế độ bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ ngắn như hiện nay tất nhiên có lý do của nó . Đó là việc người ta đánh đồng hoạt động xét của thẩm phán với hoạt động của những chức danh bầu cử trong bộ máy hành pháp và lập pháp mà chưa chỉ ra đặc thù của hoạt động xét xử. Thẩm phán không phải là một chức vụ mà là một nghề nghiệp lấy sự độc lập làm tiền đề thay cho phục tùng trên dưới. Bên cạnh đó, còn có lý do đặc thù của Việt Nam đó chính là chất lượng đội ngũ thẩm phán của chúng ta. Có thời gian dài, đội ngũ thẩm phán Việt Nam không đựơc đào tạo bài bản. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm thẩm phán nhằm giải quyết sự thiếu hụt về lực lượng một cách rất tình thế. Họ là những cán bộ chuyển ngành, bộ đội xuất ngũ…chuyển sang làm cán bộ toà án và hoàn chỉnh kiến thức cơ bản về luật bằng các loại hình đào tạo phi chính quy đủ các thể loại. Không phải tất cả nhưng rõ ràng chất lượng thẩm phán đã bị ảnh hưởng bởi hậu quả lịch sử như vậy. Việc bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ ngắn còn có lý do khắc phục tình trạng những thẩm phán kém năng lực và phẩm chất ngồi lâu giữ chỗ, tạo điều kiện cho một thế hệ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp có cơ hội trở thành thẩm phán. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của hôm qua. Hiện nay, khi đất nước hoà bình đã được hơn 30 năm, việc đào tạo cử nhân luật chính quy đã tái khởi động, hàng năm cung cấp cho xã hội một đội ngũ đông đảo cử nhân luật thì rõ ràng tư duy về nhiệm kỳ thẩm phán như trên không có lý do để tồn tại. Để vị trí nghề nghiệp của thẩm phán vững chắc, không bị áp lực bởi vấn đề nhiệm kỳ, đảm bảo cho họ đựoc độc lập thì cần thiết phải kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán tiến tới chế độ thẩm phán suốt đời. Kéo dài bao nhiêu năm hay suốt đời là vấn đề cần bàn nhưng không thể quá ngắn như hiện nay. Việc kép dài nhiệm kỳ thẩm phán phải và chỉ với mục đích đảm bảo cho họ dựoc độc lập xét xử chứ không phải là sự ưu đãi hay an sinh xã hội dành riêng cho thẩm phán. Điều đó có nghĩa là nếu thẩm phán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, năng lực yếu kém (không thể độc lập xét xử) cần phải sa thải. Đương nhiên, tại sao sa thải và sa thải như thế nào cần có tiêu chí cụ thể ví dụ như cần có một đạo luật về thẩm phán. Như vậy, việc kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán sẽ đem lại lợi ích: Ổn định nghề nghiệp; tránh sự can thiệp của cấp uỷ địa phương, các cơ quan hành pháp, lập pháp bvà ngay cả sự can thiệp của toà án cấp trên vào công việcbổ nhiệm thẩm phán sẽ làm cho thẩm phán không chỉ có khả năng độc lập mà còn dám độc lập xét xử.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai