Ra bản án trái pháp luật là hành vi cố ý ban hành và công khai bản án trái pháp luật cho những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Bản án có thể bị ra trái pháp luật gồm: Bản án sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định Giám đốc thẩm hoặc tái thẩm (về hình sự, dân sự, lao động, hành chính…).
Bản án được coi là trái pháp luật, nếu trong đó chứa đựng các nội dung, những vấn đề không đúng với các quy định của pháp luật hoặc không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.
Người ra bản án trái pháp luật nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, sẽ bị xử lý hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật theo Điều 370 BLHS 2015.
Theo đó, Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo; Dẫn đến bị cáo, người bị hại, đương sự tự sát… thì bị phạt tù từ 10 – 15 năm.
Quyết định của HĐXX phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, đúng luật (ảnh minh họa)
Nội dung trái pháp luật của bản án có thể là một phần hoặc toàn bộ bản án như quá nhấn mạnh hoặc quá chú ý đến một số tình tiết này, mà bỏ qua các tình tiết khác để kết luận về tội nhẹ hơn hoặc nặng hơn; quyết định mức hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng so với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, để buộc tội hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt không có căn cứ theo ý chí chủ quan; ra phán quyết không căn cứ vào các tình tiết thực tế của vụ việc, trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tội ra bản án trái pháp luật được coi là hoàn thành từ thời điểm bản án được tuyên đọc, hay tống đạt cho những người tham gia tố tụng dưới bất kỳ hình thức nào. Việc ra bản án thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo nguyên tắc “Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”. Vì vậy, bản án trái pháp luật phải là bản án do đa số các thành viên HĐXX biểu quyết.
Trường hợp chỉ có thiểu số thành viên của HĐXX biểu quyết ra bản án trái pháp luật thì các thành viên này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chỉ có 2/3 thành viên (hoặc 3/5 thành viên khi HĐXX gồm 5 người) biểu quyết ra bản án trái pháp luật, thì các thành viên đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các thành viên phản đối không bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Nếu tất cả thành viên của HĐXX đều nhất trí ra bản án đó thì đều bị xử lý hình sự về Tội ra bản án trái pháp luật.
Nếu nguyên nhân của việc ra bản án trái pháp luật là do việc điều tra không đầy đủ, thiếu khách quan, các tài liệu về vụ án bị làm sai lệch từ giai đoạn điều tra, HĐXX không phát hiện được thì hành vi của các thành viên trong HĐXX không cấu thành tội phạm trên.
Trong trường hợp Hội thẩm do hạn chế về trình độ, bị Thẩm phán thuyết phục đồng ý ra bản án trái pháp luật thì họ không phải chịu trách nhiệm về tội phạm này mà tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều luật tham khảo
Điều 370. Tội ra bản án trái pháp luật
1. Thẩm phán, Hội thẩm nào ra bản án mà mình biết rõ là trái pháp luật, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
c) Kết án oan người vô tội về tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
d) Bỏ lọt tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Kết án oan người vô tội về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên;
d) Dẫn đến bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật
1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu;
d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện từ 11% đến 45%;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện 46% trở lên;
b) Làm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người khởi kiện, người bị khởi kiện tự sát;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 372. Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật;
c) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm;
b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.