VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ BÀO CHỮA TẠI PHIÊN TOÀ.
1. Thủ tục bắt đầu phiên toà:
Ở phần này luật sư chú ý theo dõi diễn biến của phiên toà xem có bảo đảm thủ tục tố tụng mà BLHS quy định hay không. Khi thư ký phiên toà báo cáo danh sách những người được triệu tập, luật sư ghi lại để biết những người nào được Toà án triệu tập đã có mặt, người nào vắng mặt. Nếu thấy sự vắng mặt của một người tham gia tố tụng nào đó cản trở việc xét xử thì luật sư chuẩn bị sẵn ý kiến để khi Chủ toạ hỏi có ý kiến gì về việc người tham gia tố tụng vắng mặt thì trình bày được ngay ý kiến đã chuẩn bị của mình để bảo đảm quyền lợi cho thân chủ mình bảo vệ.
Để thực hiện tốt vai trò của mình, luật sư cần nắm được những quy định sau: tại Điều 162: bị cáo phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; Nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải: nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Điều 165: người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên toà. Nếu người bào chữa vắng mặt, nhưng có gửi trước bản bào chữa thì Toà án vẫn mở phiên toà xét xử. Trong trường hợp người bào chữa quy định tại khoản 2 Điều 37 BL TTHS vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà. Điều166: Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự , người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử; Nếu thấy sự vắng mặt của người bị hại , nguyên đơn dân sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo thủ tục tố tụng dân sự. Điều 167: Người làm chứng tham gia phiên toà để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì Chủ toạ phiên toà công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử. Điều 168: Người giám định tham gia phiên toà khi được Toà án triệu tập. Nếu người giám định vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc vẫn tiến hành xét xử.
Qua việc trích các điều luật ở trên, chúng ta thấy Hội đồng xét xử bắt buộc phải hoãn phiên toà trong một số trường hợp, còn một số trường hợp khác lại được xem xét để quyết định hoãn phiên toà hay vẫn tiến hành xét xử. Tuỳ vào từng vụ án, vào việc bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ quyền lợi cho đương sự mà luật sư đề nghị hoãn phiên toà hoặc phản đối ý kiến đề nghị hoãn phiên toà của người khác. Trong trường hợp bị cáo chưa nhận được bản cáo trạng hoặc quyết định đưa vụ án ra xét xử thì luật sư yêu cầu Hội đồng xét xử hoãn phiên toà. Nếu bị cáo hoặc đương sự không được đương sự giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của họ tại phiên toà hoặc không hỏi họ có đề nghị thay đổi người tíên hành tố tụng, người phiên dịch , người giám định hay không thì luật sư phải đề nghị Hội đồng xét xử cho họ được thực hiện các quyền đó theo quy định của pháp luật. Nếu thấy cần đưa thêm tài liệu , chứng cứ ra xem xét tại phiên toà mà trước đó luật sư chưa có hoặc chưa muốn cung cấp cho Toà án, hoặc thấy cần đề nghị triệu tập thêm người làm chứng quan trọng của vụ án thì luật sư phải đề nghị với Hội đồng xét xử những vấn đề đó.
Nếu xét thấy sự có mặt của người làm chứng là cần thiết cho việc xét xử, người làm chứng này biết được nhiều tình tiết của vụ án và có khả năng cung cấp cho toà án những tình tiết đó nhưng họ lại không được toà án triệu tập thì luật sư phải đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập thêm người làm chứng. Luật sư cần nói rõ lý do đề nghị triệu tập người làm chứng để Toà án biết. Nếu có những tài liệu chứng cứ quan trọng cần được xem xét tại phiên toà nhưng trước đó chưa cung cấp cho Toà án thì luật sư phải đưa ra tài liệu chứng cứ và đề nghị Hội đỗng xét xử xem xét tại phiên toà sơ thẩm.
2. Phần xét hỏi:
Đây là bước điều tra công khai, có sự tham gia của tất cả những người tham gia tố tụng nhằm kiểm tra các chứng cứ và làm sáng tỏ mọi tình tiết của vụ án. Để nắm được các tình tiết của vụ án, luật sư theo dõi mọi diễn biến tại phiên toà, lắng nghe câu hỏi của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư đồng nghiệp và các câu trả lời của những người bị hỏi. Kết hợp với việc nghe, luật sư ghi chép những điểm quan trọng có liên quan đến việc bảo vệ cho bị cáo hoặc đương sự. Thông thường luật sư thường ghi lại lời trình bày của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người làm chứng. Cần ghi tóm tắt lời khai, sao cho vừa đầy đủ, ngắn gọn nhưng vẫn phản ánh được nội dung chính. Trong khi theo dõi diễn biến phiên tòa, luật sư cũng chú ý phân tích các câu hỏi, câu giải thích cho bị cáo của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên. Qua đó luật sư có thể nắm một phần về quan điểm của họ để tự điều chỉnh bản luận cứ hoặc đặt câu hỏi với những người tham gia tố tụng cho phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất cho thân chủ của mình.
Khi nghe và ghi chép, luật sư phải hết sức nhanh nhạy để phát hiện những tình tiết có lợi cho thân chủ, những tình tiết có mâu thuẫn không phù hợp với thực tế khách quan hoặc các chứng cứ khác cảu vụ án, những tình tiết chưa được làm rõ sao cho sự trả lời của người được hỏi sẽ có lợi nhất cho người mà mình bảo vệ.Tuỳ từng trường hợp có thể sử dụng những loại câu hỏi sau:
– Câu hỏi bổ sung lời khai:
Sử dụng câu hỏi này để làm rõ hơn về các tình tiết của vụ án đã được mọi người khai báo tại phiên toà nhưng chưa rõ, được dùng trong trường hợp thân chủ của mình đã trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử nhưng chưa làm rõ được các tình tiết của vụ án có lợi cho họ. Nguyên nhân có thể là do bị mấy bình tĩnh mà khai sai. Luật sư cần đặt câu hỏi để người này khai bổ sung những điểm chưa rõ hoặc còn sót. Cũng có thể đặt câu hỏi này với những người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác khi thấy lời khai bổ sung của họ sẽ có lợi cho thân chủ của mình.
– Câu hỏi gợi mở:
Mục đích của câu hỏi này để phục hồi trí nhớ, khơi dậy trong trí nhớ người được hỏi mối liên tưởng về thời gian, sự việc nhờ đó họ có thể khai báo được chính xác. Luật sư dùng câu hỏi này để hỏi người làm chứng , người bị hại, bị cáo giúp họ có điều kiện nhớ lại thời gian, địa điểm, sự việc liên quan đến vụ án nhưng bị lãng quên.
– Câu hỏi vạch rõ sự gian dối:
Câu hỏi này nhằm mục đích chỉ ra sự gian dối, tính không hợp lý trong lời khai của những người có quyền lợi đối lập với thân chủ của mình hoặc của những người làm chứng. Câu hỏi này thường có hai phần: Phần nêu những chứng cứ đã được kiểm tra và xác định là đúng; phần nêu nội dung lời khai của người được hỏi có mâu thuẫn với các chứng cứ đã đưa ra ở phần trên và yêu cầu người này giải thích về sự mâu thuẫn đó.
Đặc biệt ở phần này luật sư phải thực hiện đúng kỹ năng đặt câu hỏi, luật sư không đặt câu hỏi phức tạp, câu hỏi mà trước đó chưa có sự trao đổi thống nhất. Chỉ đặt loại câu hỏi bổ sung lời khai, câu hỏi gợi mở hoặc câu hỏi đã có sự trao đổi thống nhất giữa luật sư và người được bảo vệ. Tránh luật sư đặt câu hỏi quá khó làm cho người được luật sư bảo vệ không biết trả lời như thế nào hoặc trả lời không có lợi cho họ. Chú ý khi đặt câu hỏi gợi mở không được gợi ý cho người được hỏi trả lời mà chỉ nhằm giúp họ nhớ lại những gì đã biết nhưng do lâu ngày bị lãng quên.
Căn cứ vào diễn biến tại phiên toà, luật sư có thể đưa ra những câu hỏi cần thiết như đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vật chứng, hỏi những người có liên quan để làm rõ vật chứng; nếu thấy cần thiết có thể đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tại chỗ những vật chứng không thể đưa đến phiên toà được. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chứng cứ mới; yêu cầu công bố tài liệu có trong hồ sơ có lợi cho thân chủ của mình. Luật sư chỉ đề nghị Hội đồng xét xử công bố lời khai trong các trường hợp sau:
– Lời khai của người được xét hỏi tại phiên toà có mâu thuẫn với lời khai của họ tại cơ quan điều tra;
– Người được xét hỏi không khai tại phiên toà;
– Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
Trường hợp một người có mặt tại phiên toà và họ đã có lời khai tại Cơ quan điều tra, nhưng lời khai này có nhiều tình tiết không khách quan, bất lợi cho bị cáo, Hội đỗng xét hỏi chưa hỏi họ nhưng đã định nhắc lại hoặc công bố lời khai này thì luật sư phải đề nghị Hội đồng xét xử xét hỏi họ trước khi công bố lời khai. Nếu thấy có sự ép cung, truy bức bị cáo, luật sư phải đề nghị chấm dứt ngay việc đó, bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo.
Luật sư cần căn cứ vào diễn biến của việc xét hỏi tại phiên toà, luật sư kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào bản luận cứ bào chữa cho phù hợp.
3. Phần tranh luận:
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của luật sư vì nó là giai đoạn luật sư được thể hiện tất cả mọi quan điểm bảo vệ cho thân chủ của mình, là giai đoạn quyết định việc bảo vệ của luật sư có thành công hay không. Ở đó, luật sư sử dụng quyền tranh luận của mình như một phương tiện hữu hiệu để phân tích , lập luận đưa ra các lý lẽ bảo vệ cho thân chủ.
Khi tranh luận luật sư phải sử dụng tài hùng biện và đối đáp; trình bày luận cứ một cách rõ ràng, khúc chiết, lôgic, sinh động, thấu tình đạt lý, có sức thuyết phục để thu hút sự chú ý và đồng tình của Hội đỗng xét xử.
Tại giai đoạn bảo vệ, luật sư cần trình bày theo dàn ý đề cương đã chuẩn bị. Có như vậy mới đi đúng trọng tâm làm toát lên các vấn đề cần bảo vệ, tránh được sự dông dài, trình bày tràn lan bỏ sót những điểm quan trọng. Tuy nhiên, luật sư không nên quá lệ thuộc vào bản đề cương đã viết sẵn vì như vậy sẽ làm mất tính chủ động sáng tạo. Hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều nếu phát huy khả năng hùng biện, bao gồm sự kết hợp giữa lời nói, ánh mắt, cử chỉ của Luật sư. Trong trường hợp xét thấy cần đọc bản luận cứ đã chuẩn bị sẵn được sửa chữa, bổ sung tại phiên toà để đảm bảo tính chính xác của các số liệu, sự việc thì luật sư vẫn phải kết hợp với việc giải thích để Hội đồng xét xử hiểu rõ từng vấn đề.
Luật sư khi dồn hết nhiệt huyết vào việc trình bày , bảo vệ phải đảm bảo nói to, dõng dạc, rõ ràng để Hội đồng xét xử có thể nghe rõ. Giọng nói có sự trầm bổng và nhấn mạnh vào những vấn đề quan trọng để thu hút sự chú ý và đồng tình của Hội đỗng xét xử. Khi trình bày phải đưa ra những lý lẽ, lập luận chặt chẽ, viện dẫn pháp luật để bảo vệ quan điểm của mình.
Luật sư cần chốt lại trong phần kết luận những vấn đề quan trọng nhất đã được phân tích ở trên thành từng điểm cụ thể để đề nghị Hội đỗng xét xử xem xét.Trước khi ngừng lời cần biểu thị sự tin tưởng vào phán quyết của Hội đồng xét xử để tranh thủ sự ủng hộ của Hội đồng khi nghị án.
Trong phần đối đáp, luật sư cần tận dụng cơ hội để kịp thời đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ những ý kiến không có cơ sở chấp nhận. Luật sư phải trả lời ngay những phần mình không đồng ý mà không có nhiều thời gian suy nghĩ, chuẩn bị từ trước. Do vậy muốn đối đáp sắc bén, kịp thời và chính xác, luật sư phải lắng nghe ý kiến của bên kia, ghi nhanh, đánh dấu những điểm mình cần đáp lại. Khi đánh dấu những điểm phải trả lời, luật sư đã suy nghĩ chuẩn bị ngay sẽ trình bày khi đối đáp. Khi trả lời, luật sư cần trình bày ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề cần phản bác. Ngoài việc dùng các chứng cứ của bên mình đưa ra, luật sư phải triệt để tận dụng những điểm mâu thuẫn, những vấn đề do bên kia đưa ra nhưng thấy có thể vận dụng để bảo vệ tốt cho thân chủ của mình. Như vậy lời đối đáp của luật sư mới có tính thuyết phục, làm cho Hội đồng xét xử dễ đồng tình. Nếu qua tranh luận thấy có những vấn đề được nêu ra nhưng chưa xét hỏi hoặc cần phải xem xét thêm chứng cứ thì luật sư đề nghị với Hội đồng xét xử quyết định trở lại phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án.
4. Phần tuyên án:
Tại giai đoạn này, khi Chủ toạ đọc bản án thì luật sư cần chăm chú lắng nghe để hiểu nội dung bản án, nhất là những nhận định về tội phạm, hình phạt và các quyết định của Hội đồng xét xử. Từ đó luật sư có thể giúp đỡ bị cáo hoặc đương sự kháng cáo bản án theo trình tự phúc thẩm nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm. Luật sư có thể ghi lại những điểm cần thiết như nhận định của Toà án về phần tội phạm, vai trò trách nhiệm của bị cáo mà mình bảo vệ, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, điều khoản BLHS mà Toà án áp dụng, hình phạt với từng bị cáo và các quyết định bồi thường thiệt hại (nếu có)
Luật sư cũng có thể giúp thân chủ xem lại biên bản phiên toà, kiểm tra tính chính xác của biên bản, nếu phát hiện thấy thiếu tính xác thực thì yêu cầu chỉnh sửa lại nhằm phản ánh đúng diễn biến của phiên toà. Đối với những vụ án diễn biến phức tạp, Toà án không chấp nhận quan điểm của luật sư hoặc khi xét hỏi, tranh luận thấy thư ký phiên toà ít ghi chép thì luật sư cần đề nghị với Toà án cho xem biên bản phiên toà. Nếu bị cáo hoặc đương sự đề nghị xem biên bản phiên toà thì luật sư giúp đỡ họ và thống nhất về những điểm cần sửa chữa, bổ sung. Luật sư ghi rõ các yêu cầu của mình gửi cho toà án để bổ sung vào hồ sơ vụ án nếu Toà án không chấp nhận sửa chữa, bổ sung.
Công ty luật Dragon
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT DRAGON
Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư: Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai