Vụ án Xâm phạm chỗ ở: Trưởng văn phòng Thừa phát lại có mặt tại căn nhà bị chiếm để làm gì?

134

Khi ông Tùng và Nam thực hiện hành vi trái pháp luật thì Thừa phát lại không được tiếp tục lập vi bằng. Nếu Thừa phát lại lập vi bằng thì vi bằng này không có giá trị pháp lý.

Liên quan đến vụ án Xâm phạm chỗ ở của người khác xảy ra tại căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM), ông Nguyễn Hải Nam (Phó chánh án TAND quận 4) và Lâm Hoàng Tùng (giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Trong clip lan truyền trên mạng xã hội, ngoài ông Nam, ông Tùng còn có bà Nguyễn Thị Hạnh (Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 1). Nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của bà Hạnh khi hiện diện tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm có hợp pháp?

Đến chứng kiến để lập vi bằng

Bà Hạnh cho hay chức năng của Thừa phát lại là lập vi bằng, ghi nhận chứng cứ, trên cơ sở có người yêu cầu. Trước ngày 19/9, ông Lâm Hoàng Tùng đến Văn phòng Thừa phát lại quận 1, đề nghị bà Hạnh cử người đến chứng kiến và lập vi bằng về việc ông lấy lại mặt bằng tại căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 1 dẫn Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, để lý giải cho việc không biết việc có tranh chấp tại căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bà Hạnh (vest đen, bìa trái) cầm điện thoại ghi hình. Cạnh đó là ông Nguyễn Hải Nam mở cửa taxi cho người phụ nữ áo vàng đang bế đứa bé. Ảnh cắt từ clip.

Theo bà Hạnh, quy định thỏa thuận việc lập vi bằng bao gồm địa điểm, thời gian, chi phí… những thông tin khác nếu có thì người yêu cầu sẽ cung cấp, nếu không có thì thôi, không bắt buộc. Bà cho rằng trước khi đến căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vào chiều 19/9, ông Tùng không cho bà biết về việc tranh chấp ngôi nhà này.

“Thừa phát lại không tham gia vào nội dung tranh chấp của hai bên. Đúng, sai thế nào đã có cơ quan chức năng, các bên phải tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ chứng kiến khách quan để làm cơ sở ghi lại chứ không can thiệp”, bà Hạnh nói.

Trưởng văn phòng Thừa phát lại mở cho phóng viên xem những clip do chính bà và nhân viên ghi lại tình hình hôm ông Nam và Tùng xâm phạm chỗ ở của bà Thảo. Bà Hạnh chỉ vào hình ảnh và cho biết bà mặc áo sơ mi xanh (đồng phục của văn phòng), khoác áo vest đen. Bà nói chỉ đứng xem, ghi hình lại.

“Có thông tin nói tôi cùng với nhóm người bắt trẻ con. Làm gì có chuyện đó, tôi đứng ngoài quay video chứ không hề tham gia”, bà Hạnh nói.

“Sự việc hôm đó tôi chứng kiến còn không kịp, vì xảy ra nhiều tình tiết ngoài phạm vi lập vi bằng. Tôi chỉ ghi nhớ những gì trong phạm vi ông Tùng lấy lại mặt bằng thôi, nhưng phải theo dõi đến cuối, không được bỏ về giữa chừng”, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 1 nói thêm.

Bà cũng cho biết Công an quận 1 đã mời bà đến trao đổi, nộp lại vi bằng, chứng cứ và cả video quay được hôm đó.

Thẩm quyền của Thừa phát lại

Theo Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM), hiện nay Thừa phát lại hoạt động dựa trên Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 18/10/2013 và Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 28/02/2014.

Tại khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 Nghị định số 61/2009 thì vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 61/2009, Thừa phát lại nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

Tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 61/2009, Thừa phát lại không được làm những công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Chiếu theo các quy định trên, có thể hiểu Thừa phát lại không nhận thực hiện việc lập vi bằng cho hành vi trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, chỉ có thể được phép lập vi bằng về hành vi trái pháp luật của người khác xâm hại đến người yêu cầu lập vi bằng.

“Nếu theo bà Hạnh, Thừa phát lại được ông Tùng thuê đến lập vi bằng về việc lấy lại mặt bằng đơn thuần thì không sai. Tuy nhiên, việc lấy lại mặt bằng mà ông Tùng yêu cầu lập vi bằng phải hợp pháp”, luật sư Dũ nêu quan điểm.

Không được phép lập vi bằng cho việc chiếm nhà

Việc lấy lại mặt bằng hợp pháp được phép lập vi bằng trong trường hợp ông Tùng đã thống nhất với bên bà Hoàng Thị Thu Thảo về việc bàn giao lại mặt bằng, ông Tùng đến nhận và nhờ Thừa phát lại ghi nhận hiện trạng tài sản, công trình trên đất khi giao nhận; ý kiến của các bên khi giao nhận.

Trường hợp chưa có sự thỏa thuận về việc giao nhận mặt bằng thì Thừa phát lại được phép ghi nhận sự việc ông Tùng đến yêu cầu bà Thảo giao lại mặt bằng và ý kiến của bên bà Thảo. Thừa phát lại được đến ghi nhận tình trạng nhà ở đang được gia đình bà Thảo quản lý, ở trong căn nhà đó để làm chứng cứ cho việc tranh chấp, khởi kiện hoặc tố cáo, nếu có.

Bà Hạnh cùng Lâm Hoàng Tùng đến căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm từ chiều đến tối 19/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thừa phát lại không được phép nhận lập vi bằng cho việc ông Tùng đến thực hiện hành vi sử dụng vũ lực để cưỡng chế, chiếm nhà trái pháp luật.

Trong vụ án này, thực tế diễn ra không phải là việc ông Tùng đến lấy lại mặt bằng một cách hợp pháp đã được hai bên thỏa thuận, thống nhất mà ông Tùng cùng người khác ngang nhiên xông vào nhà, ôm những đứa trẻ ra ngoài, thuê taxi chở đi nơi khác, tháo gỡ tài sản…

“Hành vi đó chính là sử dụng vũ lực chiếm nhà một cách trái pháp luật. Do đó, Thừa phát lại không được nhận, không được phép lập vi bằng về hành vi trái pháp luật đó của ông Tùng – người yêu cầu lập vi bằng”, luật sư Dũ nói.

Tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 61/2009 về thỏa thuận lập vi bằng, người muốn lập vi bằng phải thỏa thuận với Trưởng văn phòng Thừa phát lại về nội dung cần lập vi bằng, thời gian, địa điểm lập vi bằng… Trong đó, nội dung cần lập vi bằng là quan trọng nhất, không thể thiếu. Thừa phát lại phải nắm rõ yêu cầu của ông Tùng là gì, giải thích cho ông Tùng về phạm vi thẩm quyền của Thừa phát lại.

“Nếu ông Tùng nói đến lấy lại mặt bằng thì tất yếu buộc bà Hạnh phải biết tại sao phải lấy lại, lấy lại bằng phương thức, cách thức như thế nào, đã có sự thỏa thuận, thống nhất hay chưa, ai đang ở, quản lý mặt bằng đó… Với tư cách là Thừa phát lại, bà Hạnh buộc phải hiểu quy tắc nghề nghiệp, những thông tin cần phải biết, những việc được hoặc không được làm, nắm càng nhiều thông tin càng tốt trước khi chấp nhận hoặc không chấp nhận cung cấp dịch vụ”, luật sư phân tích.

Theo luật sư, việc bà Hạnh cho rằng ông Tùng không cho bà biết nhà đang có tranh chấp là không thỏa đáng. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời khai của ông Tùng về việc trao đổi với bà Hạnh như thế nào trước khi thực hiện.

Theo luật sư Dũ, trong trường hợp Thừa phát lại biết nhà đang có tranh chấp thì vẫn được đến lập vi bằng trong phạm vi pháp luật cho phép. Đó là ghi nhận sự việc ông Tùng dùng lời nói yêu cầu gia đình bà Thảo trả lại nhà, ghi nhận việc thỏa thuận giao nhà hoặc không thỏa thuận được việc giao nhà, ghi nhận sự việc gia đình bà Thảo đang ở.

Còn khi ông Tùng thực hiện hành vi trái pháp luật thì Thừa phát lại không được tiếp tục lập vi bằng. Nếu Thừa phát lại lập vi bằng về hành vi trái pháp luật đó thì vi bằng này sẽ không được Sở Tư pháp đăng ký và sẽ không có giá trị pháp lý.

Ngày 19/9, ông Lâm Hoàng Tùng thuê Văn phòng Thừa phát lại quận 1 và Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thành Hồ (huyện Bình Chánh) đến căn nhà 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) lập vi bằng về việc lấy lại căn nhà.

Ông Tùng cùng ông Nguyễn Hải Nam và một người phụ nữ và khoảng 30 người đã đuổi những người có mặt trong căn nhà ra ngoài và đưa 3 con của bà Thảo ra khỏi nhà. Căn nhà từ đó bị nhóm người lạ mặt chiếm giữ.

Ngày 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận 1 (TP.HCM) khởi tố vụ án Xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật hình sự.

Tối 1/10, cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hải Nam và Lâm Hoàng Tùng về tội Xâm phạm chỗ ở người khác.

Hoài Thanh (Zing)

 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT DRAGON

Giám đốc - Thạc sĩ Luật sư:  Nguyễn Minh Long Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Điện thoại: 1900 599 979 / 098.301.9109
Email: dragonlawfirm@gmail.com
Hệ thống Website:
www.vanphongluatsu.com.vn
www.congtyluatdragon.com
www.luatsubaochua.vn
www.dragonlaw.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai